Lên Đà Lạt nhâm nhi món hồng treo gió mọng đỏ
Đà Lạt đã bước vào mùa hồng chín mọng lủng lẳng trên cành và từ đó sản sinh ra những quả hồng treo gió ngọt lịm. Theo chân Vi Vu Khám Phá tìm hiểu về loại đặc sản Đà Lạt này nhé.
>>>Xem thêm:
Nội dung bài viết
Từ giữa tháng 9 đến đầu tháng 12, những vườn hồng trĩu quả tại Đà Lạt bắt đầu vào mùa chín cây. Thời gian đầu, trên cây còn rất nhiều lá xum xuê. Những trái hồng vàng lấp ló sau những chiếc lá xanh trên cây, đung đưa trong gió mang lại vẻ đẹp nao lòng. Đến tháng 10 – 11, những quả hồng ngả dần sang màu đậm hơn khiến du khách mê mẩn với sắc cam đỏ của trái hồng.
Nhưng ngoài những trái hồng giòn hay chín ăn lúc tươi, có một món đặc sản khiến nhiều du khách yêu thích là hồng treo gió. Khác với loại hồng sấy, hồng treo gió vẫn giữ được hương vị, màu sắc tự nhiên vốn có và có thể lưu giữ được đến 6 – 7 tháng sau.
Có một số vườn hồng sẽ mở cửa cho du khách vào tham quan, check-in chụp hình. Nhưng rất ít nơi để khách tham quan cả quá trình làm hồng treo gió nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Theo chia sẻ của Thảo Phương – chủ một cơ sở chuyên chế biến hồng treo gió, ở Đà Lạt chủ yếu sử dụng hồng trứng để treo gió. Hồng trứng có 3 loại. Hồng trứng đầu bằng không hạt, hồng trứng nhọn có hạt và hồng trứng lửa. Về cuối năm thì có thêm hồng vuông đồng không hạt. Đa số du khách sẽ thích chọn loại hồng vuông đồng vì không hạt và màu đẹp.
Để có những quả hồng treo gió ngon, người ta sẽ chọn quả chín hườm hoặc chín vàng còn cứng trái. Tiếp đến là công việc gọt vỏ hồng khá kỳ công. Hồng vừa phải được gọt sạch vỏ ngoài, vừa phải để lại phần cuống hồng để tránh nhiễm khuẩn và giữ được độ thẩm mỹ.
Để làm hồng giòn ngon là lúc hái xuống còn chát thì bỏ ủ vào túi ni lông lớn 50 kg trong vòng 5 – 7 ngày để quả hồng hết chát và giòn ngọt hơn. Còn làm hồng treo gió thì hồng hái xuống gọt vỏ treo luôn. Hồng thường được treo bằng dây. Với các cơ sở chế biến nhiều thì hồng được treo khép kín và trong lồng có cả đèn vàng, máy hút ẩm và máy quạt. Đối với cá nhân, gia đình muốn tự làm thử thì hàng ngày cần phun sương bằng rượu trắng để sản phẩm không bị nấm mốc.
Hiện nay, giá bán hồng treo gió tại Đà Lạt dao động từ 350.000 – 400.000 đồng/kg. Khi mua về, khách có thể bảo quản trong ngăn mát để ăn dần trong thời gian 3 – 4 tháng. Nhưng tốt nhất là nên bảo quản trong tủ đông. Trước khi ăn chỉ cần lấy hồng ra và trên mặt có lớp phấn trắng là lớp đường tự nhiên, khi mềm ăn vẫn ngon như lúc mới ra lò.
Nguồn ảnh: sưu tầm